Sáng 18/7, tại Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp, nghe báo phương án phòng chống bão Thần Sấm (Rummasun).

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết, 4h sáng nay, bão Thần Sấm ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16, 17.

So với dự báo ngày hôm qua (18/7), hướng đi của bão Thần Sấm đã lệch hơn về phía Bắc, hướng vào vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng.

“Dự báo, khoảng sáng 19/7, bão bắt đầu ảnh hưởng tới đất liền, trong đó vùng trọng tâm tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng. Tâm bão có thể đổ bộ vào TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh với sức gió cấp 11, giật cấp 12, cấp 13”, ông Hải thông tin.

Ông Hải cho biết thêm, thông thường với những cơn bão khác khi đi vào Biển Đông thường giảm khoảng 2 cấp nhưng với bão Thần Sấm vẫn giữ nguyên cấp. Hiện tại, bão đang hồi lại ở cấp 14, giật cấp 16, 17.

“Lý do bão Thần Sấm không giảm cấp sau khi vào Biển Đông là do ở ngoài mặt nước biển nhiệt độ đang là 31 độ C. Như vậy, với nhiệt độ cao, lượng nước bốc hơi từ mặt biển lên khí quyển sẽ tiếp sức cho cơn bão mạnh lên”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, bão Thần Sấm là cơn bão mạnh nhất từ năm 2012 đến nay. Bão di chuyển nhanh, hướng đi phức tạp. Do vậy, người dân phải hết sức đề phòng, chủ động phòng tránh trước khi bão vào.

“Khi đổ bộ vào đất liền, tâm bão mạnh ở cấp 12 sẽ rất nguy hiểm cho người dân. Với sức gió cấp 12 ở trên biển sóng sẽ cao khoảng 7m. Ở đất liền, cây cối sẽ đổ hết. Nhà cấp 4 cũng sẽ bị đổ. Chỉ có nhà cao tầng có thể chịu được sức gió này”, ông Hải nói thêm.

Từ ngày mai, vùng Đông Bắc Bộ sẽ có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 200 – 300 mm. Vùng núi các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai sẽ có nguy cơ sạt lở, lũ quét xảy ra vào ban đêm. Người dân ở trong khu vực nguy hiểm phải đề phòng, hoặc phải có phương án di dời ngay.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho hay, đây là cơn bão mạnh, các địa phương phải hết sức đề phòng, chủ động phòng tránh. Theo dự báo, vùng trọng điểm bão đổ bộ vẫn là Quảng Ninh – Hải Phòng. Do vậy, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão trong ngày hôm nay phải kêu gọi nhân dân ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn an toàn.

Tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng phải lưu ý đến tàu cá, tàu du lịch, tàu vận tải, đồng thời phải sắp xếp hướng neo đậu để tàu không bị chìm đắm, đứt neo. Các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt trong việc kêu gọi tàu thuyền, di chuyền lồng bè của người dân vào nơi an toàn. Đặc biệt, người dân ở các chòi canh, nhà tạm có nguy cơ sạt lở.

“Để đảm bảo an toàn cho người dân, tôi yêu cầu các địa phương phải thông tin tuyên truyền, hỗ trợ tất cả mọi ngư dân vào bờ. Trong đêm, mưa gió lớn thì lực lượng chức năng khó có thể cứu được người dân. Đến trước 18h chiều nay, nếu dân không vào thì lãnh đạo địa phương phải cưỡng chế”, Bộ trưởng Phát nói.

Theo Bộ trưởng Phát, không chỉ riêng các tỉnh ven biển mà các tỉnh ở vùng núi như Lào Cai, Thái Nguyên, Sơn La, Yên Bái phải hết sức đề phòng sạt lở, lũ quét. Trong chiều nay, Bộ sẽ công điện tiếp gửi lãnh đạo các địa phương này chuẩn bị phương án đề phòng lũ quét, sạt lở. Người dân ở những nơi nguy hiểm phải được đưa đi sơ tán ngay.

Bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cho biết, từ đêm ngày 18 – 22/7, các tỉnh Bắc Bộ sẽ có mưa lớn. Trên sông Hồng – Thái Bình có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-6m. Do vậy người dân phải chủ động phòng tránh khi sự cố xảy ra.

Báo cáo Bộ đội Biên phòng các tỉnh Quảng Ninh – Quảng Bình cho hay, đến nay có gần 1.2000 phương tiện các loại đã vào bờ tránh, trú bão an toàn.