Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang tổ chức lấy ý kiến giới chuyên môn và nhân dân về việc tôn vinh quốc hoa. Rồi một trong các loài hoa như: sen, mai, đào... hay cau, lúa, tre... sẽ được chọn ra. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng chưa ai nghĩ đến việc, sau khi lựa chọn, chúng ta sẽ làm gì để tôn vinh cho xứng đáng?
Theo thông lệ quốc tế, loài hoa được tôn vinh là quốc hoa của một nước thường phải là loài hoa đẹp, phổ biến ở quốc gia đó. Đặc biệt, loài hoa ấy phải hàm chứa những giá trị văn hóa, truyền thống, gần gũi tâm hồn hoặc gắn liền với lịch sử dân tộc. Chọn quốc hoa có ý nghĩa khá quan trọng. Bởi thế, trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã chọn quốc hoa làm hình ảnh đại diện cho mình. Tất nhiên, quốc hoa là khái niệm chung, không nhất thiết cứ phải là một loài hoa. Đôi khi, người ta chọn một loài cây nào đó làm đại diện, chẳng hạn như Canada chọn cây phong. Cứ thấy hình ảnh lá phong là người ta biết đến đất nước ở Bắc Mỹ này.
Đến giờ, sen hồng được xem là ứng viên "nặng ký" nhất cho danh hiệu quốc hoa Việt Nam. Sen hồng được nhiều nhà nghiên cứu, cũng như tỷ lệ người ủng hộ khá cao trong những cuộc thăm dò gần đây. Sen hồng gần gũi với người Việt từ Bắc chí Nam. Sen là biểu tượng của văn hoá Phật giáo, tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc. Hình ảnh hoa sen, cây sen từ lâu cũng thân thuộc trong hầu hết các công trình kiến trúc, điêu khắc của Việt Nam. Tuy nhiên, khi chưa có quyết định cuối cùng được đưa ra, thì cả mai, đào, tre, lúa... vẫn còn nguyên tư cách một ứng viên quan trọng. Và tất nhiên, các loài hoa, cây này đều có những ưu thế riêng.
Việc chọn hoa gì làm quốc hoa, cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Song, có điều mà rất ít người để ý đến. Đó là vị trí của quốc hoa trong thực tại.
Nếu đặt giả thiết là sen hồng được chọn làm quoc hoa viet nam. Nhiều người hẳn sẽ thấy ngại ngùng khi nghĩ đến cách ứng xử với sen hiện tại. Chẳng nói thì ai cũng biết, giờ muốn hít thở không khí ở một đầm sen khó thế nào! Không nói ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ở các địa phương khác, bao nhiêu đầm sen, ao sen đã bị lấp đi trong thời gian qua? Chúng ta giới thiệu hình ảnh đại diện của đất nước mình với thế giới là hoa sen. Nhưng sẽ cho khách quốc tế hiểu về hoa sen thế nào khi không gian sinh tồn của loài sen ngày một bị thu hẹp? Chọn hình ảnh hoa sen, nhưng chúng ta liệu có dám nói mình là "xứ sở của sen" không?
Nói đến cây hoa anh đào, ai cũng nghĩ đến nước Nhật. Ngay ở nơi đất chật người đông như thủ đô Tokyo, người Nhật cũng dành không gian đáng kể cho hoa anh đào. Mùa hoa anh đào nở, người Nhật tổ chức lễ hội hoa anh đào. Lễ hội này thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế. Và người ta vẫn thường bảo rằng, đến nước Nhật vào mùa hoa anh đào nở mới cảm nhận được nét đẹp văn hoá của người Nhật. Người Nhật tự hào với danh hiệu "xứ sở hoa anh đào". Tương tự như thế, là "xứ sở hoa tuylip" Hà Lan. Có những nước lập cả những bảo tàng về loài hoa mà họ chọn làm đặc trưng cho quốc gia mình.
Nếu quốc hoa Việt Nam được tôn vinh đúng nghĩa, chúng ta sẽ có rất nhiều không gian xanh. Cứ thử hình dung Hà Nội có thêm những hồ sen, hoặc có thêm những dãy phố ngập tràn hoa đào... Không khí của thủ đô sẽ bớt ngột ngạt đi rất nhiều, và dù ngày ngày người Hà Nội phải chịu đựng nạn tắc đường, người ta cũng sẽ thấy đỡ mệt mỏi hơn nếu có những không gian xanh như thế. Tiếc rằng, chúng ta đang làm điều ngược lại. Hồ Tây vốn khá nhiều sen, nhưng nay những vạt sen mỏng manh bên Hồ Tây đều thoi thóp trước cơn lốc bê tông. Còn vườn đào hiện tại trên bãi sông Hồng của người Nhật Tân hình thành... không phải do quy hoạch. Người Nhật Tân bất đắc dĩ phải đi tìm đất cho cây đào khi vườn đào cũ bị biến thành khu đô thị chen nhau những nhà tầng cao tầng thấp.
Có những quốc gia không có một văn bản chính thức nào về quốc hoa, nhưng thế giới vẫn "nhận diện" quốc gia đó qua loài hoa đặc trưng. Từ lâu lắm, nói đến hoa hồng, người ta đã nghĩ ngay đến đất nước Bungary. Hay láng giềng của Việt Nam, nước bạn Lào luôn gắn với hình ảnh loài hoa chăm pa (hoa đại). Bởi loài hoa này gắn bó với dân tộc họ, mà người ta đã tôn vinh nó trong thực tế. Bất kỳ nơi đâu cũng gặp loài hoa đặc trưng. Thay vì cố chọn cho được một loài hoa nào đó làm quốc hoa, ta có thể làm điều ngược lại: tạo điều kiện một số loài hoa nào đó trở thành đặc trưng của đất nước, bằng cách trồng nó ở mọi tỉnh thành, phủ lên những con phố bằng màu hoa, thay vì bê tông, cửa kính. Khi ấy, chẳng cần có một văn bản chính thức, thế giới cũng sẽ tự tôn vinh Việt Nam là xứ sở của một loài hoa nào đó. "Thương hiệu" này tự thân nó đã rất giá trị.
Có một điểm chung giữa chọn quốc hoa và việc công nhận di sản, nhất là các di sản văn hoá phi vật thể. Đó là chúng ta mải chạy theo cái danh mà quên cái thực. Dễ thấy, ta không coi trọng giá trị cây xanh, giá trị môi trường, khi những "ứng viên" quốc hoa đều không có chỗ đứng tương xứng trong thực tế. Dù chọn sen, đào hay mai... là quốc hoa, thì chúng ta cũng khó có thể quảng bá hình ảnh đất nước, quảng bá văn hoá Việt nếu như người ta đến Việt Nam để rồi chỉ được thấy quốc hoa chủ yếu trên... sách báo, hay ở những tấm pa nô, áp phích! Nếu cứ dành mọi diện tích để phát triển nhà cao tầng, bê tông cốt thép mà không dành chỗ cho cây xanh nói riêng, các loài hoa, trong đó có quốc hoa, thì việc bầu chọn quốc hoa, có lẽ là không cần thiết.
Nguồn: 24h.com.vn