Ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lựa chọn Quốc hoa Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu việc lựa chọn Quốc hoa cần có hình thức thích hợp để đông đảo nhân dân trong cả nước lựa chọn, suy tôn.

Nhân dịp này, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa có ý kiến xung quanh câu chuyện lựa chọn và sử dụng Quốc hoa.

Không nên “ép” dùng Quốc hoa

Quốc hoa là biểu tượng văn hóa quốc gia. Thông qua hình thức bông hoa để gửi gắn vào đó thông điệp văn hóa. Khi Quốc hoa thành thông dụng, ngấm vào đời sống xã hội sẽ lan tỏa sức ảnh hưởng.

Nếu nước ta chọn được Quốc hoa, có thể dùng vào các việc như quốc lễ, tết, lễ hội, đám tang, đám cưới... Nhưng không nên có văn bản, chỉ thị “ép” người dân dùng. Chỉ nên khuyến khích bằng văn học nghệ thuật, điện ảnh, sinh hoạt, văn hóa đời thường...

Người dân có quyền tự do lựa chọn sử dụng Quốc hoa, không phải ai không làm là có khuyết điểm. Ví dụ, đám cưới, đám tang... nếu dùng Quốc hoa cũng được, không dùng cũng chẳng sao.

Đặt giả thiết hoa sen được chọn là Quốc hoa. Nếu quan niệm Quốc hoa là độc tôn, mọi nghi lễ, lễ hội dùng nhiều Quốc hoa cho có lộc, xứng tầm... dễ sinh tiêu cực. Ví dụ, một xã nào đó, tổ chức lễ hội. Sẽ là hình ảnh không đẹp nếu đâu đâu cũng thấy hoa sen.


Chưa kể, sau đó có thể phát sinh những chuyện như xã chỉ định đầm sen nhà ông A, ông B... được chọn bán cho lễ hội. Hoặc để được là nhà cung cấp hoa cho lễ hội, ông A, ông B đi cửa sau, có “lại quả” cho quan xã...

Cũng như tục tục đốt vàng mã, ban đầu chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Sau này, người ta đốt nhiều hơn, niềm tin rằng, càng đốt nhiều, mã càng to... càng có lộc. Nếu Quốc hoa không có định hướng sử dụng, rất có thể đi vào đường mòn của đốt vàng mã. Như thế, vừa lãng phí, làm xấu hình ảnh quoc hoa cua viet nam.

Nước ta không chỉ có quốc hoa, mà còn nhiều biểu tượng khác truyền tải văn hóa như chiếc áo dài Việt Nam. Khi có quốc hoa, không có nghĩa xem nhẹ biểu tượng chiếc áo dài. Thấy Quốc hoa Việt Nam, người ta nghĩ đến nước Việt, văn hóa Việt. Nhưng thấy chiếc áo dài, cũng nghĩ đến người con gái Việt Nam đẹp dịu dàng, thướt tha...

Có Quốc hoa, không có nghĩa những loài hoa khác giảm ý nghĩa. Quốc hoa dù sao cũng chỉ tượng trưng cho ý nghĩa nhất định. Ví dụ, chàng trai tặng người yêu, chọn bông hoa hồng tượng tưng tình yêu, không thể tặng Quốc hoa sen hay hoa đào, hoa mai...

Hoa sen xứng đáng?

Có ý kiến cho rằng, Quốc hoa có cần thiết hay không? Theo tôi, giá trị của Quốc hoa ở chỗ văn hóa được chuyển tải vào trong nó. Do vậy, Quốc hoa cũng là hình thức giáo dục trực quan hiệu quả.

Đặc biệt, trong xã hội ngày nay, hệ thống giá trị văn hóa có sự thay đổi, trong đó có suy thoái về đạo đức. Những hình ảnh biểu tượng, phát huy tính nhân bản, hạn chế suy thoái nên làm lúc này. Nếu chọn được Quốc hoa, kèm theo đó có hình thức nghi lễ, biểu tượng thấm vào con người, tác dụng tốt đến xã hội.

Do vậy, loại hoa được chọn cần hàm chứa một hàm lượng văn hóa và khả năng thổi được hồn mới, cách tiếp cận mới.

Tôi chọn hoa sen, biểu hiện cho nét thanh cao, vô nhiễm. Hoa sen lớn lên từ bùn, nhưng không hề bị ô nhiễm mà còn thanh cao, có hương sắc. Đó là thông điệp rất đúng trong thời đại này, con người dường như chạy theo hưởng thụ, tranh giành...

Hoa sen xuất phát gắn với đạo Phật, thích ứng tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Phật giáo ảnh hưởng rộng đến đời sống xã hội. Văn hóa Phật giáo cũng là một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Bản thân bông hoa sen có vị trí sâu trong đời sống người Việt nói chung. Không có loài hoa nào ở Việt Nam có tính hữu ích như hoa sen. Sen vừa là thực phẩm, vừa là dược liệu quý như tâm sen, hạt sen, ngó sen...

Có nhiều ý kiến cho rằng, hoa sen đã có nhiều nước trên thế giới đã chọn làm Quốc hoa. Nhưng vấn đề ở chỗ thông điệp văn hóa gửi vào không giống nhau. Ấn Độ chọn hoa sen trắng, chúng ta chọn sen hồng, có cái riêng.

Nguồn: 24h.com.vn