Sau hai thất bại chỉ trong vòng một tuần và đều là những trận thua tâm phục khẩu phục của Barcelona, đã đến lúc chúng ta đặt ra câu hỏi: Tiki-taka và đội bóng duy nhất có thể sử dụng nó còn thống trị được thế giới hay không? Cho đến trước tuần lễ thất vọng vừa qua, rất ít đội bóng đánh bại được Barcelona, và hầu hết đều không tạo cho chúng ta cảm giác rằng họ giải mã được Tiki-taka.

Chelsea mùa trước là một phiên bản tương tự Inter Milan 2010, sử dụng số đông để bù đắp chất lượng phòng ngự. Nhưng chiếc "xe bus" luôn chỉ là giải pháp, chứ không phải là phương pháp hữu hiệu để khắc chế Tiki-taka.

Cách phòng thủ này bịt chặt các khoảng trống ở quanh và trong cấm địa, chứ không bóp nghẹt các ý tưởng tấn công bằng sự thống nhất tinh thần phòng ngự trên cả 3 tuyến được giữ cự ly hợp lý và có kỷ luật, tương tự như những gì AC Milan và Real Madrid đã làm.

Họ đã giải mã Tiki-taka như thế nào?

Hai đội bóng ấy đã cung cấp một góc nhìn có hệ thống hơn để khắc chế lối chơi của Barca:

1) Nhấn mạnh việc gây áp lực ở tuyến tiền vệ với một hàng thủ dâng cao hợp lý, hơn là lùi sâu đội hình và "mời" Barca công phá liên tục ở 30 mét cuối cùng.

2) Bỏ mặc khoảng trống giữa hàng hậu vệ và tiền vệ để giúp cho cặp tiền vệ trung tâm tạo áp lực tốt hơn lên các đạo diễn lối chơi của Barca (đặc biệt là Xavi), vì thực tế là Barca hiếm khi xâm nhập vào khu vực đó, một vị trí lý tưởng đế sút xa (Barca không khai thác và cũng kém hiệu quả với miếng đánh này).

3) "Khoán" vai trò phản công cho cầu thủ bùng nổ nhất (Milan trao nó cho El Sharaawy và Real trao cho Ronaldo), khuyến khích họ di chuyển tự do theo trực giác và diễn biến trên sân, mà không cần phải theo chỉ thị HLV: Chúng ta thấy đôi khi El Sharaawy còn lùi về tận sân nhà phòng ngự, còn Ronaldo gần như không phối hợp, mà chỉ tìm cách sút tung lưới đối phương nhanh nhất có thể.


Tất nhiên, điều kiện để Milan và Barca áp dụng hiệu quả những nguyên tắc cơ bản này dựa trên việc cọ xát thường xuyên với Barca, từ đó tạo ra khả năng "bắt bài" cả về động tác, ý đồ và thói quen của các cầu thủ đối phương: Milan đã gặp Barca 4 lần mùa trước, còn Real Madrid là 6 lần.

Việc "trợ lý của trợ lý" Jordi Roura ngồi ghế chỉ đạo cũng là một trong những nguyên nhân thất bại, nhưng cơ bản thì chúng ta đã thấy rằng lối chơi này và Barca đều đã bộc lộ điểm yếu, và phá giải nó không còn là chuyện bất khả.

Catenaccio và bóng đá tổng lực đã “chết” như thế nào?

Một lối chơi thường được xây dựng ban đầu dựa trên triết lý nền tảng, được cụ thể hóa bằng một hệ thống chiến thuật thích hợp, triển khai bởi các cầu thủ có tố chất (tự nhiên và cả thông qua quá trình đào tạo) phù hợp. Duy trì được 3 yếu tố ấy là lối chơi còn tồn tại, và hoàn thiện cả 3 yếu tố ấy thì lối chơi sẽ gặt hái danh hiệu.

Một số trường phái vĩ đại trong quá khứ không còn tồn tại vì thiếu đi một trong ba yếu tố này:

Catenaccio. Triết lý nền tảng của nó, là khả năng tổ chức, phòng ngự khu vực và bọc lót để tạo ra một hệ thống phòng thủ có chiều sâu, vẫn còn đến ngày nay, nhưng hệ thống chiến thuật cổ điển để áp dụng nó là sơ đồ 1-3-3-3 đã lỗi thời. Về mặt con người, bóng đá hiện đại không còn những libero kiệt xuất như Giacinto Facchetti, Franco Baresi, Franz Beckenbauer.v.v Thậm chí, trung vệ giỏi trong thời đại này cũng không nhiều.

Bóng đá tổng lực. Triết lý nền tảng của nó, là tấn công bằng những đường chuyền đơn giản, với đội hình không vị trí nào cố định và liên tục hoán chuyển, cũng góp phần tạo nên dáng dấp của lối chơi tấn công hiện đại (bao gồm cả Tiki-taka). Hệ thống 4-3-3 không hề lỗi thời. Nhưng đòi hỏi con người quá lý tưởng của nó đã biến lối chơi này thành ảo tưởng: Các cầu thủ không những phải xuất sắc, mà còn phải xuất sắc ở rất nhiều vị trí khác nhau.

Joga Bonito. Ý tưởng của nó là kết hợp sự biểu diễn và tính hiệu quả trong thi đấu, và đôi khi sự biểu diễn lại giúp tăng hiệu quả. Cũng như bóng đá tổng lực, hệ thống này đòi hỏi quá cao về mặt con người (thậm chí còn siêu việt và ngẫu hứng hơn bóng đá tổng lực), và có lẽ là chỉ đội hình Brazil năm 1970 của Pele là áp dụng được nó.

Tiki-taka vẫn là “mốt”

Triết lý nền tảng của Tiki-taka là tấn công, kiểm soát bóng bằng những đường chuyền ít chạm. Nó được cụ thể hóa bằng sơ đồ 4-3-3, hoàn thiện bằng cách kết hợp giữa sự năng động của bóng đá tổng lực và lý thuyết pressing do Marcelo Bielsa phát triển (Guardiola tổng hợp). Các mẫu tiền vệ thông minh và giàu kỹ năng như Xavi, Iniesta, Busquets là trung tâm của lối chơi.

Tiki-taka giải quyết được tất cả những khiếm khuyết của 3 trường phái lớn kể trên: Triết lý nền tảng của nó bắt nguồn từ chính ý tưởng của bóng đá tổng lực, có tính phòng ngự tích cực hơn Catenaccio (vây ráp đối phương hơn là thụ động chờ đối phương tấn công), cập nhật bong da y, và La Masia đã cung cấp cho đội bóng này những thế hệ cầu thủ phù hợp một cách liên tục.

Lối chơi này phát triển vào thời đại mà những số 10 cổ điển đã “tuyệt chủng” vì các khoảng trống trong bóng đá hiện đại bị triệt tiêu, các tiền vệ phòng ngự dạng tranh chấp (như Davids, hay Gattuso) cũng không còn được trọng dụng, và các tiền đạo theo mẫu số 9 cổ điển cũng đang phải nhường chỗ cho những cầu thủ tấn công di chuyển rộng và đa năng.

Nói cách khác, đó là thời đại chú trọng đến kỹ năng xây dựng lối chơi hơn là đột phá cá nhân (cả thế giới hiện tại “may ra” có thiên tài Messi được phép chơi kiểu này), giữ nhịp hơn là xoạc và đoạt bóng, hoán chuyển vị trí và tạo ra khoảng trống hơn là dùng sức mạnh để “đàn áp” hàng phòng ngự đối phương.


Tiki-taka đã bị giải mã trong hai trận đấu cụ thể, nhưng các yếu tố làm nên nó vẫn vững vàng và được sự ủng hộ lớn của thời đại: Những đường chuyền vẫn là vũ khí có giá trị nhất trong bóng đá hiện đại, và cho đến khi nào lò La Masia còn chưa... sập, thì những cầu thủ thông minh dạng như Xavi, Iniesta vẫn sẽ được sản sinh.

Vĩ thanh

Hãy nhìn thành công của Del Bosque với đội tuyển TBN bằng những cải biến không ngừng cho Tiki-taka (họ vừa vô địch EURO với sơ đồ 4-6-0) để thấy rằng lối chơi này vẫn giữ được sự thâm hậu của nó. Cập nhật bong da tay ban nha. Hãy chờ cho đến khi Tito Vilanova trở lại, đội bóng này sẽ ứng phó với các tình huống tốt hơn.

Thêm nữa, Xavi, Iniesta hay Messi cũng là con người. Họ không thể chạy mãi mà không cạn kiệt cảm hứng, nhất là khi đã giành đủ chiến quả cấp CLB. 1-2 cú vấp ngã chưa phải là thời điểm đúng đắn để kết luận rằng họ đang phục vụ cho một lối chơi thất bại.

Cuối cùng, người viết cho rằng không một lối chơi nào có thể thay Tiki-taka thống trị thế giới vào thời điểm này, bởi nó luôn phải tấn công trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trước bất kỳ đối thủ nào. Và trong thời đại mà bóng đá ngày một bị thực dụng hóa, nó giống như Don Quixote đánh Cối xay gió, để bảo vệ giá trị nguyên sơ của bóng đá.

Nguồn: tin bong da 24h.