Hãng phim Disney đã giới thiệu Frankenweenie (Chó ma) của đạo diễn Tim Burton, bộ phim hoạt hình thể loại đen trắng, stop-motion ở định dạng 3D, với dàn diễn viên lồng tiếng tài năng như Catherine O’Hara, Martin Short, Martin Landau, v.v...
Frankenweenie của Tim Burton là câu chuyện cảm động về một cậu bé và chú chó của mình. Sau khi đột ngột mất đi chú chó cưng Sparky, cậu bé Victor đã tận dụng sức mạnh của khoa học để đem người bạn của mình trở về từ cõi chết - với một vài sự điều chỉnh nho nhỏ. Cậu cố gắng che giấu sinh vật tự chế của mình, nhưng khi Sparky thoát ra ngoài, những người bạn học, thầy cô giáo và toàn bộ thị trấn nhận thấy rằng một cuộc sống được tái tạo lại có khả năng sẽ trở nên sai lệch.
Frankenweenie được chỉ đạo bởi nhà làm phim nổi tiếng Tim Burton, đánh dấu bộ phim hoạt hình đầu tiên của ông trên cương vị đạo diễn cho Disney. Burton kiêm luôn vai trò nhà sản xuất cùng với Alison Abbate, Don Hahn là tổng sản xuất. Kịch bản được thực hiện bởi John August, dựa trên ý tưởng gốc của Tim Burton.
Bộ phim tiếp bước những tác phẩm hoạt hình thuộc thể loại stop-motion khác của Tim Burton như Corpse Bride và The Nightmare Before Christmas - tất cả đều từng được đề cử giải Oscar.
Khi ý tưởng thực hiện Frankenweenie lần đầu đến với Tim Burton, ông hình dung nó là một tác phẩm hoạt hình stop-motion với thời lượng phim nhựa. Do những hạn chế về kinh phí, ông đã biến nó thành một bộ phim chuyển thể ngắn, do Disney phát hành năm 1984. Tại thời điểm đó, Burton đã phác họa các nhân vật của mình trên giấy.
Với bộ phim hoat hinh này, ông sử dụng chính những phác thảo đó, đồng thời tự minh họa tất cả các nhân vật mới cho phim. Nhiều hình mẫu lấy cảm hứng từ bề ngoài và tính cách của những nhân vật trong các bộ phim kinh dị kinh điển từ thập niên 30. Một số khác thì có tên thể hiện sự kính trọng của ông với những bộ phim đó, như Victor Frankenstein, Elsa Van Helsing, Edgar "E" Gore và Mr. Burgemeister.
Burton luôn muốn làm phiên bản phim nhựa cho Frankenweenie. Từ khi còn nhỏ, ông đã đặc biệt yêu thích những bộ phim kinh dị, đặc biệt là Frankenstein. Nhưng ông cũng đặc biệt bị hấp dẫn bởi ý tưởng về câu chuyện của những cậu bé cùng chú chó của mình. Burton giải thích: "Lý do ban đầu tôi muốn thực hiện Frankenweenie là bởi từ bé tôi đã rất yêu thích thể loại phim kinh dị. Nhưng một nguyên nhân khác là bởi mối quan hệ giữa tôi hồi nhỏ với chú chó mà mình từng nuôi. Đó là một mối liên kết đặc biệt mà bạn có trong đời, thực sự rất sâu sắc. Tuổi đời của chó ngắn hơn con người rất nhiều, bởi vậy bạn sẽ phải trải nghiệm điểm kết thúc của mối quan hệ ấy. Vậy là, kết hợp với câu chuyện về Frankenstein, bộ phim có sức tác động mạnh mẽ đối với tôi - như thể một cách để tưởng nhớ rất riêng."
Đối với Burton, phim kinh di thể hiện dưới một góc độ khác tất cả những điều mà truyện cổ tích hay dân gian muốn truyền đạt về các vấn đề trong cuộc sống thường nhật. Sử dụng kỹ thuật stop-motion trong Frankenweenie là một cách mô phỏng lại câu chuyện về Frankenstein nhưng bổ sung thêm yếu tố chiều sâu. Bởi vậy mà trong đó, những con rối vô hồn cũng trở nên sống động.
Xuất phát từ niềm đam mê
Quá trình thực hiện Frankenweenie là một quá trình xuất phát từ niềm đam mê, với sự tham gia của một số lượng lớn các thợ thủ công, chuyên viên hoạt họa, phục trang dàn cảnh, thợ làm rối, nhà thiết kế cùng nhiều nghệ sĩ khác trong khoảng thời gian 2 năm.
Stop-motion là một trong những kỹ thuật làm phim hoạt hình cổ nhất, và là một quá trình cực kỳ thủ công. Frankenweenie được thực hiện đúng theo tiêu chuẩn 24 hình/giây. Điều này có nghĩa là các chuyên viên hoạt họa sẽ phải ngừng lại và điều chỉnh con rối 24 lần để có được 1 giây cử động trên phim. Trung bình, mỗi chuyên viên hoạt họa chỉ có thể sản xuất ra 5 giây trên tổng số thời lượng phim 1 tuần. Nhiều con rối của cùng một nhân vật cho phép các chuyên viên cùng một lúc thực hiện nhiều hơn một cảnh. Luôn có khoảng 18 chuyên viên hoạt họa làm việc độc lập với nhau.
Chuyện phim diễn ra tại thị trấn hư cấu New Holland, nơi mà theo tổng sản xuất Don Hahn mô tả thì là "vùng ngoại ô hẻo lánh của thập niên 70". Cao cao trên sườn đồi, thị trấn là mô hình chiếc cối xay gió, biểu tượng không ngừng gợi nhớ đến sự tự hào về tổ tiên người Hà Lan di cư của họ.
Để thiết kế bối cảnh mô phỏng theo một vùng ngoại ô của thập niên 70 và thổi hồn cho New Holland, các nhà làm phim đã phải mời đến nhà thiết kế sản phẩm từng đoạt giải Oscar Rick Heinrichs - người cũng có thâm niên làm việc cùng Burton. Bởi phần lớn phong cách nghệ thuật của bộ phim dựa trên hình dung của Burton về bối cảnh, nên ông và Heinrichs phải làm việc chặt chẽ với nhau để ra được kết quả cuối cùng.
Bối cảnh phim được dựng trên những mặt bàn. Phần lớn những đồ dùng tí hon được thực hiện, sơn màu và nhấn nhá chi tiết tỉ mỉ một cách đáng kinh ngạc bằng tay.
Tim Burton cương quyết rằng Frankenweenie phải được quay đen trắng. Vị đạo diễn lý giải: "Gam màu đen trắng là một trong những yếu tố quan trọng của câu chuyện, của nhân vật và của cảm xúc mà nó mang lại."
Thể hiện bộ phim đã hoàn thành ở định dạng 3D đem tới thêm một yếu tố hình ảnh vô cùng quan trọng cho thành quả cuối cùng. Tim Burton nói: "Hình ảnh trở nên rõ ràng và thuần túy trong tông màu đen trắng. Yếu tố 3D đem tới một chiều sâu nhất định, lạ thường và đặc sắc. Khi kết hợp giữa stop-motion và 3D, người xem sẽ thực sự có cảm giác mình đang ở đó. Bạn thấy rõ bề mặt của những con rối. Bạn thấy những điều mà mình không thường thấy. Cập nhật phim vo thuat. Chỉ thua mỗi việc thực sự có mặt trong trường quay của một bộ phim stop-motion."
Chẳng phải tự nhiên mà Don Hahn tự nhận mình là fan của thể loại 3D. Ông chia sẻ: "Đã đến rạp, bạn sẽ muốn xem một bộ phim 3D cho đáng mặt 3D. Tôi không nghĩ trước kia từng có tác phẩm nào phù hợp với 3D hơn Frankenweenie. Nó cho phép bạn có mặt tại đó, không chỉ chiêm ngưỡng bộ phim mà là sống bên trong nó với Victor cùng cha mẹ của mình và chú chó Sparky, cảm thấy như đang đứng ngay bên họ. Bởi thế, ý tưởng kết hợp công nghệ 3D vào bộ phim này là một sự kết hợp trên thiên đường."
Nguồn: 24h.com.vn