Ở ngoài kia là chiều, ánh nắng còn chưa tắt, nhưng trong đây, ở gầm cầu thang này đã là đêm. Tối kịt nếu tắt điện. Trong cái khoảng không gian chỉ hơn 3m2 đó là nơi gia đình bà Hoàng Thị Dung (52 tuổi) ở 18 năm nay.
Một người 1m2!
"Ðến ngay cả nấu nước tôi phải đun nước nhờ bên chùa thì làm gì có cái bếp cho đàng hoàng. Có 3m2 bé tẹo, mỗi người được 1m2, chưa kể đồ đạc lỉnh kỉnh" - bà Dung chép miệng bảo. Lấy nhau 18 năm, vợ chồng bà Dung chỉ có mỗi cô con gái năm nay học lớp 11 Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Ðình). "Chỉ vì nhà cửa chật chội quá nên vợ chồng tôi sợ, không dám sinh thêm đứa nữa. Bát cơm sẻ đôi mỗi đứa một nửa còn được, nhưng không thể nằm chồng lên nhau mà ngủ".
Bà Dung là người Hưng Yên. Chồng bà, ông Hà Ðình Thành (56 tuổi), là trai phố cổ. Bố mẹ ông có tám người con. Cả nhà mười người ở trong một không gian chỉ 16m2! Cán bộ phường Hàng Bồ thấy thương, cho mẹ ông được sử dụng gầm cầu thang của dãy nhà tập thể làm nơi để củi.
Cô gái Hưng Yên lấy chàng trai phố cổ thông qua mai mối. Sau ba đêm ngủ trong phòng tân hôn nhỏ nhưng gọn gàng, sạch sẽ, người vợ trẻ hụt hẫng nuốt nước mắt khi biết đó là căn phòng... thuê của một gia đình hàng xóm! Gầm cầu thang vốn dùng để chứa củi mới là chỗ ăn ngủ chính thức của đôi uyên ương. Cập nhật tin an ninh hinh su. "Nhìn gầm cầu tối om, bẩn thỉu tôi rùng mình, tủi thân chảy nước mắt. Tôi không ngờ lấy chồng Hà Nội lại ở cái chỗ như vậy. Nhưng thân gái như hạt mưa sa, thôi thì đành nhắm mắt mà ở", bà Dung buồn buồn tủi tủi nhớ lại cảm xúc hỗn độn khi đứng trước gầm cầu thang phủ đầy bóng tối, nơi vợ chồng bà sẽ ở.
Và người vợ trẻ khi đó không thể ngờ đó là nơi gắn bó với gia đình mình 18 năm và hơn thế nữa... Ngày về nhà chồng, mẹ chồng cho ba cái bát yêu. Cô dâu chỉ mang về ba bộ quần áo. Người bạn thân của chồng cho mấy cái nồi xoong, hai đôi đũa, mấy cái bát to, bát con, thau rửa mặt... Ðôi vợ chồng dọn ra ăn riêng ở gầm cầu thang. "Nhà" lúc nào cũng tối mò 24/24 giờ như đêm 30. "Suốt cả năm tôi vẫn chưa quen. Ở quê rộng rãi quen rồi. Khi đó cầu thang này gỗ đã mủn, người đi trên ở dưới nghe cứ rầm rập suốt ngày đêm, ọp ẹp như muốn sập" - bà Dung kể.
Ðã thế, gầm cầu thang lúc nào cũng ướt lép nhép do gỗ đã cũ, xuống cấp trầm trọng. Người dân ở trên mỗi lần xách nước lại làm tung tóe rơi vãi xuống dưới. Vợ chồng trẻ lãnh đủ. Mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi. "Phản chưa có, giường cũng không, vợ chồng tôi phải trải chiếu nằm dưới đất. Quần áo chẳng mấy chốc mà mục. Cập nhật Tin tức Việt Nam. Da người còn ẩm mốc huống chi là quần áo" - bà Dung kể.
Mấy tháng đầu ở gầm cầu thang người vợ trẻ khóc mọng mắt. Khổ nhưng cô không dám kể cho một ai trong gia đình biết. Bà Dung nhớ lại: "Khi tôi sinh con Thủy, mẹ tôi ra đây chăm cháu mới biết "nhà" nó ở là cái gầm cầu thang. Ban ngày mẹ tôi chợ búa, giặt giũ, cơm nước cho vợ chồng con gái, đêm đi ngủ nhờ nhà hàng xóm trên cầu thang. Một tháng trời như thế. Về quê, mẹ cũng giấu kín chuyện nhà tôi".
Khi con gái đầu lòng chào đời, ông Thành mới làm gấp một tấm phản vừa khít lòng gầm cầu thang để có chỗ khá hơn cho vợ con nằm. "Trong này chật chội không biết đứng đâu ru con, tôi cứ bế con đi ra ngoài ngõ rồi lại đi lên cầu thang, cứ đi hết bậc lại bế con đi xuống, được mấy vòng thì bé Thủy lăn ra ngủ", bà Dung kể. Trong ký ức tuổi thơ của mình, cô bé Hà Thị Thu Thủy vẫn còn nhớ những hình ảnh không thể quên thời ấu thơ: "Khi em tập đi, mẹ tập đi cho em ở ngoài ngõ vì trong này cầu thang tối quá, em sợ cứ gào lên khóc".
18 năm ngủ không màn
Từ ngày lấy nhau đến giờ, vợ chồng ông Thành chưa một lần mắc màn dù rất nhiều muỗi, nhất là thời gian đầu mới về ở. "Nhà quá chật, mắc màn lên lại tù mù, chui ra chui vào lụng bụng như cá mắc lưới. Nửa đêm muốn đi giải chui vào chui ra đụng chồng con lại mất giấc ngủ. Thôi thì đường nào cũng bất tiện", bà Dung thở dài bảo. Ông Thành góp thêm chuyện: "Mùa tháng giêng, tháng hai - mùa muỗi nhiều, muỗi cắn đỏ sưng chân nhưng gia đình tôi cũng cố chịu. Cập nhật phim ma 2013. Mỗi lần mưa to nước cống rãnh ngập lên gần nửa mét tràn vào nhà, các thứ bẩn thỉu trôi lềnh bềnh hôi thối không ngửi được, vẫn phải nhắm mắt mà ngủ qua quýt cho xong".
Là dân phố cổ nhưng cách sinh hoạt của ông Thành như chỉ có ở người vô gia cư: tắm công cộng, đi vệ sinh cũng công cộng. Khi bà Dung bị ốm, phải mượn cái ghế đẩu cao kê ngoài bậc cửa, nằm nhoài đầu ra hít được không khí ít nào hay ít nấy. Khi nào thấy bí quá thì sang tựa nhờ cửa nhà hàng xóm ngồi thở, thấy chủ nhà về lại trở vào.
Ban ngày cả nhà đi hết. Ông Thành chạy xe ôm. Bà Dung bán nước trà. Bé Thủy đi học. Buổi tối là lúc đông đúc nhất. Và cũng là lúc căn nhà trở nên chật chội nhất. "Ngày nào dậy tôi cũng tê hết mình mẩy - bà Dung nói - Tôi chỉ nằm đến 5g sáng là phải dậy đi ra đường vì cái phản quá chật, không cựa quậy, không trở mình được, nằm co quắp bất động. Chật chội thế nên nhà tôi không dám may thêm quần áo. May thì treo mắc vào đâu".
Nguồn: 24h.com.vn