Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh chỉ có hơn 50 thí sinh đạt điểm ba môn từ 13 điểm trở lên trong khi trường có 800 chỉ tiêu ĐH. Trên website của trường cũng đã nhanh chóng thông báo chính thức việc xét tuyển NV2 đối với cả chín ngành đào tạo ĐH.
Chộn rộn xét tuyển bổ sung
Điểm chuẩn chính thức nguyện vọng (NV) 1 chưa được công bố, tuy nhiên nhiều thí sinh sau khi biết điểm thi đang chộn rộn đi tìm cơ hội ở nguyện vọng bổ sung. Trong khi các trường đã lên phương án xét tuyển.
Thí sinh Nguyễn Bảo Trung (Bình Định) dự thi vào ngành kinh tế đối ngoại khối D1 Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) đạt 18,5 điểm. “Tìm hiểu thông tin trên báo tôi thấy kết quả thi của con mình ít hi vọng trúng tuyển NV1. Với mức 19 điểm (tính thêm 0,5 điểm ưu tiên khu vực) không biết có khả năng trúng tuyển vào trường nào không? Tôi và cháu đang cố tìm kiếm thông tin các trường để nộp hồ sơ xét tuyển NV2...” - ông Nguyễn Chương, ba của thí sinh Bảo Trung, chia sẻ.
Thông báo xét tuyển sớm
Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải trở thành trường ĐH đầu tiên có thông báo chính thức về thời gian, điều kiện xét tuyển NV2 vào trường. Không đợi đến 10-8 bộ công bố điểm sàn, ngay khi công bố điểm thi đại học năm 2012, ngày 21-7 trường cũng đã đồng thời công khai “thông báo xét tuyển bổ sung vào hệ ĐH chính quy năm 2012”. Theo đó, cả sáu ngành đào tạo ĐH của trường này đều xét tuyển NV bổ sung với chung điều kiện: thí sinh thi ĐH khối A, đạt từ điểm sàn trở lên và không có điểm liệt. Theo ông Nguyễn Văn Lâm - trưởng phòng đào tạo nhà trường, với điểm thi năm nay trường sẽ phải xét tuyển NV bổ sung đến cả 1.000/1.200 chỉ tiêu.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh chỉ có hơn 50 thí sinh đạt điểm ba môn từ 13 điểm trở lên trong khi trường có 800 chỉ tiêu ĐH. Trên website của trường cũng đã nhanh chóng thông báo chính thức việc xét tuyển NV2 đối với cả chín ngành đào tạo ĐH.
Ngày 23-7, một loạt trường ĐH công bố điểm thi cũng đã rục rịch việc đăng thông tin xét tuyển NV2. Trường ĐH Tài chính - ngân hàng Hà Nội, số thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên cho ba môn chỉ đạt được 1/2 số chỉ tiêu. Theo đó, dự kiến trường sẽ phải tuyển thêm khoảng 400 thí sinh cho NV bổ sung để đạt mốc 750 chỉ tiêu đặt ra.
Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chắc chắn nhà trường sẽ dành nhiều chỉ tiêu để tiếp tục xét tuyển NV bổ sung. “Nếu lấy điểm chuẩn bằng mức điểm sàn của năm trước, rất nhiều ngành của trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu” - ông Hùng khẳng định. Cũng như những năm gần đây, năm nay dự kiến trường sẽ tiếp tục xét tuyển NV2 các ngành: nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ chế biến lâm sản, công nghệ kỹ thuật nhiệt, lâm nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp... và các ngành bậc CĐ. Bên cạnh đó, tại hai phân hiệu của trường ở Gia Lai và Ninh Thuận cũng dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV2 các ngành.
“Rộng cửa” trường tốp giữa
Thực tế, không chỉ có những trường phổ điểm quá thấp đến mức tính đến tận sàn mà không đủ chỉ tiêu mới sốt sắng xét tuyển NV2. Một số trường chất lượng đào tạo tương đối tốt, khi xét thấy điểm thi của thí sinh không vượt qua được mốc sàn dự kiến của trường thì dù thừa thí sinh vượt sàn dự kiến của bộ vẫn kiên quyết không tuyển đến đáy sàn, chấp nhận tuyển NV2 từ thí sinh thi trường khác với mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo. Học viện Báo chí và tuyên truyền, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2... đều xác nhận có những ngành điểm thi đầu vào của thí sinh khá thấp. Nếu lấy điểm sàn có thể mới đủ chỉ tiêu, nhưng trường vẫn kiên quyết giữ mức điểm chuẩn dự kiến không thấp hơn 15 điểm, chấp nhận lấy phần chỉ tiêu còn thiếu hụt từ NV2.
Theo ông Trịnh Đình Vinh - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, năm nay điểm thi của trường tốt hơn hẳn năm trước nên thống kê số thí sinh từ 13 điểm trở lên là hơn 3.100 thí sinh, song trường vẫn sẽ xét tuyển NV bổ sung dù chỉ tiêu chỉ là 2.500. “Dự kiến trường sẽ dành 20-30% chỉ tiêu tuyển NV bổ sung để bảo đảm chất lượng đầu vào” - ông Vinh nói.
Tại Trường ĐH Mỏ - địa chất, nếu lấy từ 13 điểm trở lên trường cũng khó đủ chỉ tiêu, nhưng nhiều khả năng trường sẽ giữ ổn định mức điểm chuẩn năm 2011, với điểm xét trúng tuyển ngành thấp nhất là 14 điểm. Lý giải về quyết định tuyển NV bổ sung, PGS.TS Lê Trọng Thắng - trưởng phòng đào tạo nhà trường - cho hay do các ngành kỹ thuật có chương trình học nặng nên nhà trường phải cân nhắc rất kỹ trong việc đưa ra điểm chuẩn. “Không thể cố hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu vì chương trình học nặng, sức học thí sinh chưa đủ rất khó theo hết bậc ĐH” - ông Thắng nói.
ThS Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - cho biết hội đồng tuyển sinh nhà trường vừa họp và quyết định sẽ xét tuyển NV2 tất cả các ngành bậc CĐ với 2.500 chỉ tiêu (trường không tổ chức thi bậc này mà chỉ xét tuyển từ kết quả thi ĐH). Đồng thời, bậc ĐH nhà trường cũng dành 40 chỉ tiêu ngành khoa học thư viện và 30 chỉ tiêu ngành giáo dục chính trị để tiếp tục xét tuyển NV2. Nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển thí sinh dự thi ĐH có kết quả bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.
Nguồn: kenhtuyensinh.vn