Câu chuyện này do mình sưu tầm !!! Chắc ở đâu thì các bạn cũng đã biết ... Và bắt đầu ngay câu chuyên ma này ngay và luôn!!!
BÓNG MA CỤT ĐẦU
Nói vậy không phải xóm Cồn Thiên có gì đặc biệt. Đấy chỉ là một xóm nghèo, nằm queo quắt như một chiếc khăn tắm ai bỏ quên bên bờ của khúc sông Ô Lâu. Ở đó tôi có quá nhiều kỷ niệm về sự chết chóc đau thương của bà con lối xóm qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tuổi thơ tôi chìm đắm trong nỗi kinh hoàng. Dù tôi chưa hề cầm súng cho bên nào. (vì hồi đó tôi còn nhỏ và lớn lên tôi ở các thành phố không thuộc vùng kiểm soát của Cach Mạng ). Thế nhưng mấy chục năm sau, trong giấc ngủ tôi vẫn ú ớ kêu thét vì mơ thấy những cảnh bắt bớ giết chóc.
Hôm nay tôi có dịp trở về xóm Cồn Thiên sau gần hai chục năm xa cách. Tôi về quê ký lí lịch để kết nạp Đảng trước khi lên giữ chức vụ Trưởng khoa. Người đầu tiên tôi sẽ gặp trong chuyến về nầy là Nghĩa, chủ tịch xã và là bạn học thời thơ ấu của tôi. Phải nói về Nghĩa một chút, không thì câu chuyện trở thành không đầu không đuôi.
Xóm Cồn Thiên thuở đó không có trường học, kể cả trường tiểu học.Thứ nhất là do không có thầy cô giáo, thứ đến, xóm Cồn Thiên là vùng tranh chấp quyết liệt giữa Cách mạng và kẻ thù. Trong cả hai cuộc kháng chiến, bom đạn cày nát thôn xóm suốt ngày đêm. Không thể tập trung trẻ em được. Do vậy mà trẻ con trong xóm ít đứa biết chữ. Tôi có cái may mắn là ông già biết đôi chút chữ nghĩa. Không biết ông dạy cho tôi trong những giờ khắc nào, vậy mà tôi đọc được viết đươc. Sau đó tôi đi học tiểu học, tại một ngôi trường cách xa nhà gần cả chục cây số.Thuộc một vùng địch tạm chiếm. Khoảng cách nầy giờ tôi mới ước tính được. Hồi đó chỉ biết trường học quá xa nhà. Trong xóm tôi có thêm thằng Nghĩa. Không biết ai dạy mà nó cũng lên được tiểu học.Vậy là hai chúng tôi cặp kè nhau đi học. Âu đó cũng là món quà tuổi thơ dành cho số phận cả hai chúng tôi. Sau nầy đứa nào cũng có chút chữ nghĩa giúp đời. Nếu không có thằng Nghĩa chưa chắc tôi đã dám đi học một mình.Và giờ nầy tôi cũng bị mù chữ như bao đứa trẻ khác ở xóm Cồn Thiên.Trường học chia làm hai ca. Các lớp lớn học buổi sáng. Tôi thuộc lớp nhỏ nên học buổi chiều. Sao hồi đó nhà trường lại phân nghich lí vậy không biết. Tôi sợ nhất là những ngày mùa đông. Trường bãi ca chiều khoảng năm giờ. Về đến nhà hơn sáu giờ. Mùa đông gặp khi mưa gió thì trời cũng chạng vạng tối rồi. Trên đường về nhà sợ nhất là qua cua Ông Tám. Hết cái cua nầy mới rẽ trái vào xóm Cồn Thiên. Còn rẽ hướng khác thì qua truông Trăng Lu rồi đến xóm Mỏ Cày. Cua Ông Tám có một cái cống bằng gạch cù. Mùa mưa nước chảy dưới cống ầm ầm, ở cuối xóm lúc trời yên cũng nghe rõ. Lại còn thêm cây đa , thân ba người ôm không xuể. Tán của nó phủ một bóng tối u uất quanh cống. Chừng đó thôi thì chưa có gì đáng sơ. Cái sợ nhất là ở cái cống nầy có ma. Vì trong thời gian chiến tranh có rất nhiều người thiệt mạng ở đấy. Trước thì lính Pháp và quân du kích Việt Minh. Sau nầy thì lính Mỹ ngụy và quân Giải phóng. Không biết cái chỗ đất đó sao mà cay nghiệt vậy. Đã có quá nhiều cuộc phục kích gây thiệt hại cho cả đôi bên. Vậy mà những trận đụng độ vẫn xẩy ra thường xuyên ở quanh cái cống ấy. Thế mới lạ. Trong xóm người ta bảo do thần linh ở cây đa khiến phải vậy. Mà chết nhiều như thế thì không thể nào không có ma. Nhiều câu chuyện rùng rợn được những người có việc buổi tối phải đi qua đây kể lại. Ai kể thì người ta còn cho là bịa. Còn như ông Tinh kể thì phải tin. Ông bảo có một buổi tối, vợ ông chuyển bụng, ông phải chạy tìm bà mụ bên xóm Mỏ Cày. Khi qua cống cây đa ông thấy có một người ngồi choán ngay giữa đường, cúi gục đầu xuống. Ông định thần nhìn kỷ ( ông Tinh gan lắm và nổi tiếng là người trừ ma nên chuyện ông bình tĩnh quan sát bóng ma là bình thường). Hóa ra không phải ai đó đang cúi xuống mà là một bóng ma không đầu, mặc trang phục lính Pháp. Ông Tinh nạt lớn:
- Không có cái đầu thì coi ngươi làm được trò trống gì nào.
Ông Tính vừa nạt thì bóng ma cụt đầu biến mất. Câu chuyện đó ám ảnh tôi ghê lắm. Do vậy mỗi lần trường bãi tối là tôi dặn Nghĩa phải đợi, hai đứa cùng về. Một hôm trường tổ chức ăn liên hoan cuối năm nên bãi muộn. Lớp tôi về sau cùng. Ra khỏi lớp tôi chạy đến phòng học của Nghĩa nhưng nó đã bỏ về từ trước. Nhìn quanh không thấy nó tôi đã quýnh trong lòng .Chẳng cách nào khác hơn ( thuở đó chẳng ai có xe đạp để đi nhờ), tôi vừa đi vừa chạy. Đến gần khúc cua Ông Tám, cách chừng một trăm mét, tôi khựng lại. Nhìn quanh không thấy ai qua để cùng đi. Đợi lâu sợ tối thêm, tôi nhắm mắt và chạy. Để lấy tinh thần, tôi vừa chạy vừa hát bài Lên đàng. Nào anh em ta cùng nhau xông pha… Nhưng đến cách khúc cua chừng vài chục mét, tôi mất hết bình tĩnh, không điều khiển được đôi mí mắt của mình nữa. Tôi mở to mắt. Không phải quáng: Trước mặt, cách tôi chừng năm chục mét, một bóng người cụt đầu ngồi choán ngay giữa đường. Tôi thét lên, không biết có ra hơi không và nhắm mắt quật chạy ngược lại. Được một quãng, tôi phát hiện trong tích tắc, ngoài tiếng thình thịch của bước chân tôi, có tiếng bước chân lạ đâu đó rất gần. Dương mắt, tôi súyt chạm một bóng trắng. Toàn thân tôi khuỵu xuống. Nhưng một cánh tay đã níu vai kéo tôi lên và phát ra tiếng nói- Đừng sợ, cậu bé đi về đâu?
Tôi nghe hơi ấm từ bàn tay và cả từ giọng nói khàn đục của người đàn ông. Giọng nói đó lại cất lên- Cháu về Cồn Thiên hay Mỏ Cày ? Tôi không nói nổi, chỉ tay về hướng Cồn Thiên.
Qua khỏi cống Ông Tám, người đàn ông buông tay tôi và nói.
- Hết chỗ sợ rồi đấy. Cháu về Cồn Thiên đi, ông qua Mỏ Cày.
Bóng trắng tách tôi ra và rẽ phải. Tôi tiếp tục chạy, lòng chưa hết sợ. Lúc đó sao lại nghe có giọng thằng Nghĩa hát? Đúng là thằng Nghĩa. Nó vừa đi vừa hát trước mặt tôi. Không xa lắm nên tôi vẫn nhận ra dáng nó, cao cao lưng hơi còng. Cái lưng đó mà nó cõng tôi chạy ù quạ thì sết sẩy. Tôi gọi tên nó hối hả. Nó quay lui và đứng đợi. Tôi hớt hải hỏi:
- Ở cống Ông Tám mầy có thấy gì không?.
Nó trả lời làm tôi ớn lạnh cả xương sống:
- Của tao đấy.
Tôi muốn hỏi nó về cái bóng ma cụt đầu tôi vừa thấy lúc nãy mà chắc chắn Nghĩa cũng thấy. Nhưng nó trả lời lăng nhăng sao tôi không hiểu:
- Khi chiều tao đánh, ăn thằng Thanh ba viên, bỏ trong túi quần. Không ngờ cái túi bị thủng nên qua cống Ông Tám nó rớt ra một viên. Xui sao mà xui, nó lại lăn xuống cái lỗ dế . Tao ngồi đào hoài. Cứ đào tới nơi là nó lại tụt xuống .Tối quá phải bỏ về.
Kể xong nó lại hỏi tôi:
- Sao mầy đào được rồi hả? Viên bi khế mầu cam phải không? Đâu rồi cho tao xin lại đi.
Cuối cùng tôi đã hiểu. Cái bóng ma cụt đầu khi nãy chính là thằng Nghĩa đang cúi xuống đào viên bi mà nó đánh rơi tuột vào lỗ dế. Nó làm tôi suýt đau tim mà chết.
Học hết tiểu học trường làng tôi may mắn thi đậu vào trung học công lập trường huyện. Nghĩa bỏ học.
Dù mới trung học đệ nhất cấp tôi đã đi dạy kèm để tự túc ăn học và tiếp tục học lên.
Những ngày tháng sau đó tôi không có điều kiện trở lại xóm Cồn Thiên. Mãi đến sau năm một ngàn chín trăm bảy lăm tôi mới về lại xóm cũ. Được biết Nghĩa đang là chủ tịch xã.
Sau hơn mươi lăm năm xa nhau, quả thật trở về gặp bạn lúc nầy tôi cũng có chút băn khoăn. Trong suốt ngần ấy năm, xóm Cồn Thiên chịu bao đau thương. Người dân Cồn Thiên hy sinh không biết bao nhiêu xương máu. Mỗi khúc cua, mỗi chỗ ngoặt của đường xóm, không có chỗ nào là không có người dân Cồn Thiên hy sinh. Nếu cứ lấy tên anh hùng liệt sĩ mà đặt tên đường như ở các thành phố thì có lấy hết tất cả các con hẻm, dù chỉ dài chừng trăm mét cũng không đủ để ghi tên các liệt sĩ xóm Cồn Thiên. Trong thời gian đó Nghĩa bám trụ cùng quân du kích địa phương quyết tâm giữ từng tấc đất thấm đẩm máu cha anh. Cùng lúc ấy thì tôi lang thang kiếm cơm ăn học tại các thị xã rồi đến các thành phố. Tôi đã vuột bỏ xóm Cồn Thiên như vuột bỏ cái áo khoác đang bén lửa có nguy cơ thiêu đốt con đường học vấn của tôi, dù rằng trước đó nó đã che chở tôi qua bao mùa mưa nắng. Bây giờ đất nước hòa bình, xóm Cồn Thiên đang cùng tất cả các vùng quê khác chuyển mình vươn lên thoát đói nghèo thì tôi trở lại với một mục đích cũng hoàn toàn vì quyền lợi cá nhân.Vì vậy tôi ngại khi phải gặp lại Nghĩa. Dù rằng hai đứa đã có một thời gắn bó tuổi thơ. Cũng may tôi không có dính dấp gì đến quân đội, chính quyền chế độ cũ. Lứa tuổi của tôi mà ở các thị thành miền Nam thì hầu hết đều dính. Tôi cũng biết, nếu tìm gặp Nghĩa trước ở nhà riêng của Nghĩa thì hay hơn. Nhưng tôi không muốn áp dụng lối quan hệ vụ lợi kiểu dân thị thành. Muốn gặp gỡ trao đổi với ai điều gì trước hết dẫn nhau đi nhậu một trận rớt cần câu, sau đó khi đă ngà ngà rồi muốn nói gì chả được. Một tiếng là tình cảm anh em hai tiếng là tình cảm anh em, nghe ra ngọt xớt như mía lùi, đầy ắp tình cảm như li nước tràn.Và người đươc mời, để thể hiện tấm lòng của mình sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện, không đắn đo, không giữ kẻ, anh ta gọi món vô tư. Nhưng sau đó khi bước đến quầy tính tiền, khổ chủ nhìn vào bảng thanh toán, những con số làm cho anh ta hoa cả mắt. Nếu không kìm được, y cũng văng tục, dm đúng là gặp hạm. Từ một thằng con nít xóm Cồn Thiên, năm sáu tuổi còn ở truồng mà chạy. Lớn lên ăn cơm góp khắp các thành phố từ miền Trung cho chí miền Nam, đến tận cùng cực Nam của Tổ quốc, thì tôi cũng không phải vừa. Nói thế không có nghĩa tôi là thằng ranh ma. Nhưng cũng không đến nổi ngù ngờ trong quan hệ.Tôi biết vận dụng các chiêu thức tùy đối thủ. Nhưng đến với Nghĩa lại khác. Đến với Nghĩa là đến với xóm Cồn Thiên, vùng đất mà trong lòng tôi là một đền thờ của tâm linh. Tôi không thể làm điều gì trái với lương tâm mình. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần khi gặp sự giao tiếp lạnh nhạt của Nghĩa. Cũng có thể Nghĩa bảo tôi xa quê hương lâu ngày anh ta không biết gì về những hoạt động của tôi trong gần hai mươi năm qua để từ chối không xác minh lí lịch cho tôi. Đó cũng là lời trách khéo tôi. Tất nhiên là tôi chấp nhận. Nhưng nói cho cùng, đấy cũng không phải lỗi của tôi. Còn Nghĩa có nhìn tôi dưới con mắt của một người cơ hội không: Khi đất nước trong cơn dầu sôi lửa bỏng thì tôi trốn chui trốn nhủi ở các thành phố kiếm tìm phương thưc để đạt được mơ ước vinh thân phì da. Giờ quê hương đã hết bóng quân thù thì trở về xin được chính quyền xác nhận cho mình có môt lí lịch trong sạch! Chữ trong sạch nầy phải hiểu theo nghĩa như thế nào đây. Chán chi người lí lịch trong sạch nhưng lương tâm không trong sạch. Điều nầy thực lòng tôi không hề mặc cảm. Vào Đảng với tôi không phải là việc làm của người theo chủ nghĩa cơ hội. Có được kết nạp hay không, thái độ và tinh thần làm việc của tôi vẫn không có gì thay đổi. Tôi đã từng xác định cho mình như vậy. Nghĩa nghĩ sao thì mặc.
Vì đã có chủ định gặp Nghĩa từ trước nên mới bước vào cơ quan, nhìn người ngồi ở ghế chủ tịch là tôi nhận ra Nghĩa ngay.Tất nhiên tôi vẫn giữ đúng mực quan hệ trong công sở. Tôi không thể chạy đến quàng vai Nghĩa như thời còn nhỏ. Thật tình lúc đó lòng tôi rất muốn chạy lại ôm Nghĩa và nhảy lên lưng nó, như nó đã từng cõng tôi chạy ù quạ cách đây mười mấy năm. Nghĩa đang cặm cụi viết , thấy tôi Nghĩa ngẩng lên nhìn chăm chăm.
- Nghĩa không nhận ra mình sao? Tôi dè dặt hỏi.
Nghĩa vẫn không rời mắt khỏi khuôn mặt tôi.
- Mình, H đây mà. Cậu thay đổi cũng nhiều nhưng mình vẫn nhận ra . Tôi nói và chủ động chìa tay ra. Nghĩa cũng đưa tay bắt, không nói gì. Nghĩa cố tình quên tôi chăng?
- Mời ngồi- Nghĩa chỉ chiếc ghế đối diện rồi chậm rãi nói- Nhớ chứ , mình có nghe mấy người nói H có về thăm .Ai nói nhỉ, ờ Thím Hòa . Tối qua đáng lẽ mình sang chơi, nhưng bận một chút việc về hơi khuya nên không qua được.
Nghĩa nói vậy là có ý trách khéo tôi không sang trình diện Nghĩa chăng. Nghĩ thế tôi nói:
- Đúng ra mình phải sang thăm cậu trước. Nhưng nghĩ cả ngày cậu làm việc, tối cần nghỉ ngơi…
- Việc làng việc xã chẳng có gì căng lắm, có điều là phải làm luôn. Đày tớ của dân mà! Dân kêu đâu dạ đó. Ngày qua xẩy ra vụ xung đột do việc khơi mương dành nước tưới cho ruộng của mình, giữa hai gia đình ông Cử Thám với mụ Năm Rớt. Phải họp bà con đến tám giờ tối mới phân xử xong. Cậu về nghỉ được mấy hôm?
- Mình về vài ba hôm.
- Về thăm lại xóm làng, hay có việc gì không? Ngồi đây mình đi lấy nước uống.
Tôi ngồi uống nước và nói với Nghĩa là tôi về xin xác minh lí lịch. Tôi không đoán ra thái độ của Nghĩa như thế nào khi Nghĩa nói:
- Xác minh về thành phần gia đình thì dễ thôi.
Nghĩa không nói thêm và lại rót nước mời tôi. Có phải Nghĩa ngại không nói ra hết câu là –Còn về bản thân tôi, những hoạt động của tôi hơn mười mấy năm qua thì khó xác minh?
Mặc dầu trong lí lịch đã có lời cam kết, nhưng tôi tự hỏi có nên nhắc lại với Nghĩa lần nữa rằng những gì tôi khai trong lí lịch là hoàn toàn đúng không. Rồi tôi tự xác định là không cần thiết. Thời gian im lặng giữa hai người trôi qua chắc chưa đầy một phút, sau câu nói của Nghĩa, mà sao tôi thấy lâu và nặng nề. Mình có nên trả lời là thôi, không cần thiết nữa không nhỉ. Đang phân vân chợt Nghĩa phá vỡ sự im lặng trước:
- Sao cậu không nhờ địa phương nơi cậu sinh sống thời gian qua họ xác nhận cho.
- Có. Nhưng họ bảo mình phải về quê.
- Ở quê thì xác nhận thành phần giai cấp chính trị của đương sự. Còn hoạt động của đương sự thì phải chính nơi đương sư sinh sống xác nhận chứ. Cậu thấy vậy có hợp lí không?
Tôi hỏi
- Ý cậu là không xác nhận đươc?
- Đúng thế.
Đột nhiên Nghĩa phá lên cười rồi đưa tay ra bắt tay tôi.Cái siết tay của Nghĩa lần nầy chặt hơn lúc tôi mới vào.Tôi chẳng hiểu sao cả. Thằng nầy muốn diễn trò gì đây? Nó muốn chứng tỏ quyền uy của một vị chủ tịch xã ư. Bây giờ thì tôi không còn suy nghĩ gì nữa, tôi nói với Nghĩa :
- Cảm ơn cậu đã bỏ thì giờ tiếp chuyện mình. Bây giờ mình thấy không cần phải xác minh lí lịch nữa.
Nghĩa lại cười và kéo tay tôi ngồi xuống khi tôi định đứng dậy. Nghĩa nói:
- Bình tĩnh, đừng nóng quá ông bạn. Nầy tôi hỏi cậu, có phải cậu đã viết như thế nầy trong một bài thơ cậu đăng ở báo Văn nghệ không- Nghĩa đọc:
Tôi từng ghi trong hàng chục trang lí lịch / Nơi sinh của tôi Cồn Thiên, Mỹ Điền /
Thực ra tôi chỉ sinh một phần tại đó / Theo tháng năm tôi còn được sinh ra /
Tại Quảng Nam, Quảng Ngải, Thừa Thiên /…Tôi sinh ra trong từng trang sách nhỏ /
Từ Châu Phi đói nghèo đến Mỹ Âu giàu có…- Cậu đã viết vậy thì bảo tôi ký xác minh làm sao? Chỗ nào cũng là nơi sinh của cậu. Cậu cũng còn sinh ra một phần từ châu Phi châu Mỹ nữa mà!
Bây giờ đến lượt tôi phá lên cười . Đúng, đó là bài thơ tôi viết cho báo Văn nghệ. Ý nói tôi lớn lên bằng những hạt cơm góp và những hiểu biết của mình có được nhờ những tháng năm lăn lộn với cuộc sống, cùng những điều học hỏi trong sách vở. Nghĩa đã đọc đâu đó và nhớ rất kỹ, trong khi tôi đã quên phéng từ lâu. Nghĩa nhìn tôi cười:
- Bài thơ ấy là do Đông Ngọ mang đến cho mình đấy. Ngọ học lớp tư B (lớp hai bây giờ) trường tiểu học Hưng Nhơn với tụi mình, lên lớp ba thì bỏ học. Ngọ ngồi bàn đầu, cậu nhớ không?. Ngọ theo cha ra Bắc tiếp tục học. Hiện giờ làm ở báo Văn nghệ. Nhờ vậy mình mới được đọc bài thơ của cậu. Dù cậu có được sinh ra ở đâu như cậu nói, thì mình vẫn phải ký li lịch cho cậu thôi. Vì sao biết không?
Tôi lắc đầu
Nghĩa chêm nước cho tôi và nói:
- Bởi hai câu cuối bài thơ cậu đã viết:
Dù sinh ở đâu tôi vẫn được dưỡng nuôi / Bằng những giọt nước trong veo của dòng Ô Lâu cần mẫn…Bởi vậy mình biết trong lòng cậu không bao giờ quên quê hương.
- Cảm ơn cậu .Tôi xúc động nói với Nghĩa.
Bây giờ thì Nghĩa thay đổi thái độ hoàn toàn.Chuyện trò cười nói với tôi thật cởi mở. Nghĩa hỏi thăm về bằng cấp công việc hiện nay của tôi. Nghĩa tâm sự:
- Hết nhiệm kỳ nầy mình xin nghỉ, về cùng bà con xây dựng hồ cá hồi ở Vũng Trọc.
Tôi nói:
- Nghe bà con nói cậu làm việc rất năng nổ và được bà con tín nhiệm lắm. Mình nghĩ cậu nên ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
- Bây giờ đất nước đã bước qua một giai đoạn mới rồi. Trình độ học vấn của mình như cậu biết đấy, không thể đáp ứng nhu cầu công việc. Cần phải có một cái đầu đổi mới H ạ. Thanh niên bây giờ kiến thức hiện đại lắm. Đã đến lúc nên chuyển giao cho lớp sau.
Đang nói, đột nhiên Nghĩa nhắc lại chuyện hồi nhỏ:
- Cậu còn nhớ ông Tính đã nói với con ma không đầu ở cống Ông Tám hồi đó sao không? Không có cái đầu thì coi ngươi làm được trò trống gì nào!
Cả hai chúng tôi cười vang.
HẾT
Nguồn : http://doctruyenma.net/doc-truyen/bong-ma-cut-dau/
Thanks anh em đã đọc