Được post bởi
Ôi Vãi Luyện
Truyện Về Mèo Hoang
Tác Giả : CocXjnh Viết Lúc 28(-)1 năm 2012
Bốn con tam thể còn đỏ hỏn, mắt chưa mở, thân hình teo tóp như nắm bông gòn. Tôi cầm mấy con mèo lên ngắm nghía, bực bội nghĩ: "Xui xẻo tới nơi rồi! Mới sáng mùng Một mà mèo tới nhà nằm vạ. Phải chi một con đỡ, đằng này tới bốn con, mà con mẹ chết tiệt lại bỏ đi đâu mất. Thiệt vô duyên hết biết, mấy con mèo hoang đẻ bậy, đẻ bạ rồi nhà tôi lãnh đạn, bây giờ làm sao đây?".
Đám mèo hoang của xóm nhà tôi thật quỷ quái. Đêm đêm nó leo trèo trên mái tôn, bước đi rào rạo nghe như trộm rình nhà. Những đêm ở nhà một mình, tôi không dám ngủ say vì không biết mèo đi hay trộm đi. Có hôm chúng cắn lộn, gầm gừ suốt cả đêm nhất là vào mùa động đực.
Tôi định mang đám mèo con bỏ dưới gốc cây bên kia đường chứ ngày đầu năm mới mà để mèo lạ trong nhà, chắc năm nay hết ngóc đầu lên nổi. Bắt lên, để xuống, nghĩ tới nghĩ lui một hồi thấy không đành lòng. Chúng nó mỏng manh nhỏ bé quá, mắt chưa mở, miệng chưa biết ăn, thả xuống đường lúc này là giết nó, coi như giết bốn mạng sống.
Tôi xuống cầu thang, phân vân chưa biết tính sao, nhìn đồng hồ đã 8 giờ. Trễ giờ đi chùa đầu năm rồi, tôi lật đật thay quần áo.
Lễ chùa xong, tôi về nhà. Mới tới cửa đã nghe tiếng thằng cháu tíu tít: "Mại ơi! Mại! Nhà mình chó mèo, chậu Ba làm nhà cho nó ở ồi". Tôi leo lên gác, thấy thằng con đang đổ sữa cho mèo liếm. Nó lấy cái thùng giấy các-tông lót tấm vải cũ cho mèo nằm. Thấy tôi, nó toe toét cười:
- Nhà mình hên quá! Mới đầu năm đã có thêm người. Bốn con tam thể đẹp tuyệt. Chắc năm nay con có vợ được rồi đó.
Tôi trợn mắt, gắt:
- Hên gì mà hên. Con không nghe mèo tới nhà thì khó, chó tới nhà thì sang sao?
- Ối trời! Hơi đâu mà mẹ nghe người ta nói. Chó hay mèo cũng là những con vật gần gũi. Tự nhiên phân biệt con này khó, con kia sang. Mẹ không nuôi thì để đó cho con, nuôi chừng nào nó ăn được sẽ tính. Quyết định vậy đi! Đầu năm, đầu tháng đừng để xích mích không vui nha, hì... hì...
Mấy con mèo được chăm sóc chu đáo nên lớn nhanh như thổi. Tôi bắt đầu thấy "mến tay mến chân". Dù tiếc tiền, nhưng vẫn chi cho chúng mỗi ngày hai bịch sữa tươi. Ngày hai lần, tôi còn nhai cơm bón vào miệng chúng như bón cho trẻ con. Chuyện đời vậy đó! Ban đầu ghét cay ghét đắng, dần dần hết ghét, chuyển thành thương hồi nào không hay.
Mèo đã được hai tháng, ăn khỏe, nhanh nhẹn, lanh lợi hẳn ra. Mỗi khi tôi nấu nướng, chúng quấn quýt bên chân, miệng "meo meo" đòi ăn. Thương ơi là thương. Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi thấy hoàn cảnh không cho phép. Phải chi đất rộng rãi như hồi còn dưới quê, nuôi bao nhiêu cũng được. Bàn tới, tính lui với thằng con, rốt cuộc quyết định chỉ giữ lại con màu xám đậm nhất. Ba con kia đành phải đưa đi.
Đi đâu tôi cũng rao là cần cho ba con tam thể rất đẹp, nhưng ai cũng lắc đầu. Có người còn bảo thả chúng đi hoang cho xong. Thế nhưng, nỡ lòng nào vô tâm, vô cảm như vậy được. Bỏ thì thương, vương thì tội, tiến thoái lưỡng nan, biết tính sao đây?
Đang cho mèo ăn, nghe tiếng thằng cháu gọi: "Mại ơi! Chó chách". Tôi bước ra nhà trước, chưng hửng nhìn ông hàng xóm đang tươi cười:
- Chào Hùng! Nghe đồn em có... mèo phải không?
- Mèo gì anh? Tôi ngắc ngứ hỏi lại.
- À! Thì... thì nghe nói Hùng cho mèo mà.
- À! Đúng rồi, tôi có ba con tam thể. Anh muốn nuôi mèo hả?
- Không giấu gì em , nhà tôi chuột nhiều quá. Nhà không có đàn bà, tôi lại hay quên đậy đồ ăn thức uống, thành thử mấy năm nay sống chung với chúng. Bẫy nhiêu lần, nhưng không hết được. Bây giờ phải nuôi mèo thôi.
Tôi nhìn gương mặt rắn rỏi của người đàn ông đang nhăn nhó vì... chuột mà buồn cười. Vợ con ông ta đâu mà nói không có đàn bà? Chắc ở dưới quê hay đi làm ăn đâu đó chớ tướng tá phương phi như vậy, sao sống độc thân được. Nhà của tôi cách nhà của ông ta có mấy dãy, nhưng dân ở khu này mạnh ai người ấy sống. Ối mà thôi! Kệ ông ta, tò mò làm gì, có người xin mèo là mừng rồi. Tôi đon đả:
- Anh định bắt mấy con?
- Em tính cho hết hả? Hổng ấy tôi bắt hết cũng được. Ờ mà nó ăn mạnh chưa?
- Mà anh nuôi nổi không? Phải chăm cẩn thận, nó còn non yếu lắm, tôi sợ...
- Hà... hà... Không sao đâu. Hồi vợ tôi còn sống, ở dưới quê tụi tui là những người nổi tiếng có tay nuôi heo nái đó. Con nào cũng tròn quay.
Tôi lắc đầu:
- Heo nái khác, mèo con khác, mỗi con nuôi một kiểu, giao cho anh hết không biết an toàn không?
Ông ta nhìn tôi cười cười:
- Lúc rảnh, cô chạy qua phụ giúp. Khi nào nó thiệt khỏe thì thôi. Vậy đi hén!
- Bữa nay ngày tốt, cô cho tôi bắt luôn được không?
- Cũng được, nhưng anh mua sữa cho nó chưa? - Tôi ngần ngừ.
- Ối lo gì. Sữa bán đầy, muốn mua lúc nào chẳng được. Đây! Túi của tôi đây, cô mát tay bắt bỏ vô giùm.
Tôi trèo lên gác, thấy mấy con mèo nằm túm tụm lên nhau ngủ, tôi chợt ngậm ngùi... Mà thôi! Phải mạnh dạn lên, đằng nào nó cũng phải đi, vương vấn làm chi...
Vừa bỏ mấy con mèo vào giỏ, tôi vừa lầm bẩm: "Lại đằng kia ở nghe con, ở không được, trở về đây. Tao không muốn vậy mà tại hoàn cảnh..."
Tôi đưa túi cho ông ta, nhìn mấy con mèo, ông tấm tắc:
- Có tay nuôi mèo ghê! Chắc nuôi thằng cháu ngoại cũng giỏi lắm. Hà... hà... Hôm nào rảnh, mời qua nhà thăm chúng nó. Yên tâm đi, tôi là thầy thuốc thú y mà. Cảm ơn nha, tôi về.
"Thằng cha chết duyên chết dùng, nói năng trống không, thiếu chủ từ, chủ ngữ, làm như thân thiện lắm vậy. Nổ cho dữ không biết nuôi nổi không nữa". Tôi miên man suy nghĩ.
Con tam thể ở lại một mình không biết vì nhớ bầy đàn hay thiếu hơi ấm của máu mủ ruột rà nên nó bớt nhanh nhẹn hẳn. Tôi chợt thấy thương cảm cho nó.
"Reng... reng...". Tôi nhắc điện thoại lên. Đầu dây bên kia:
- A lô, Hùngđó hả? Bữa nay rảnh không, mời qua nhà thăm mấy con mèo. Chúng ăn mạnh, dễ thương lắm hà... hà...
- Để coi sao đã. Chiều anh rảnh, hai mẹ con tôi qua nhà anh. Còn không thì... thôi. Anh lo đàng hoàng vậy là tốt rồi... Cảm ơn nghe. - Tôi nói nhát gừng.
- Hà... hà... em khách sao quá, lối xóm mà có gì phải giữ kẽ dữ vậy. Chiều ráng qua nghe, tôi mong lắm đó.
Ối trời! Làm như ngon lắm. Tự tin quá thể. Bộ muốn mượn cớ xin mấy con mèo đặng "thả dê" qua nhà đàn bà góa chắc. Không dễ ăn đâu, để rồi coi. Ờ, mà sao ổng biết tên, biết nhà, biết cả số điện thoại của mình vậy cà?
Chiều, tôi rủ thằng con đi thăm mèo. Thoáng thấy tôi, ông ta đon đả:
- Vô đây! Vô đây! Hai mẹ con vô đây thăm cháu ngoại đi, con nào con đấy phổng phao lắm.
Tôi với thằng con bước vô, căn nhà tuy nhỏ, nhưng sạch sẽ và ngăn nắp. Trên bàn thờ có hình một phụ nữ với nụ cười hồn hậu. Trên tường còn treo một bằng khen ghi tên bác sỹ thú y Trần Văn Nam, Sở Y Tế Tiền Giang. Tôi ngạc nhiên, khi biết ông ta là đồng hương.
- Hai mẹ con xuống đây coi nè! Giọng ông ta oang oang.
Tôi với thằng con bước ra sau bếp. Nhìn mấy con mèo tròn vo, thằng con tía lia:
- Coi nó nè mẹ! Qua mặt con Bông nhà mình rồi. Vậy mà mẹ cứ lo hoài.
Ông ta nhìn con tôi cười thân thiện:
- Con thấy bác giỏi không? Gà trống nuôi con có thua ai đâu.
Ngưng một lát, ông nói tiếp:
- Từ lâu, bác đã biết mẹ con là đồng hương, muốn làm quen, nhưng ngại. Dân thành thị không xởi lởi thân thiện như người dưới quê đâu. Tại bác kẹt thằng con còn đang học trên này nên mới trụ ở đây. Khi nào nó tốt nghiệp, bác về quê sống sướng hơn. Chứ ở đây, cô độc lắm con à.
- Hơi đâu bác buồn. Buồn thì đi kiếm bạn, kiếm bồ cho vui. Buồn nữa, du lịch nước này, nước nọ. - Thằng con hồn nhiên.
Ông ta liếc tôi rồi nói tiếp:
- Tuổi già kỳ lắm. Khó vui mà dễ buồn. Biết người cùng quê mà không dám nhìn. Con coi nếp sống thành thị khiến con người ta vô cảm đến dễ sợ không?"
Thấy ông ta than thở hoài, tôi lên tiếng:
- Anh nói vậy chớ không phải vậy đâu. Thành thị cũng có năm bảy loại. Hồi nào giờ, tôi vẫn giữ nguyên chất quê mùa.
Ông ta đưa cho hai mẹ con hai ly nước chanh, phân bua:
- Thôi! Chưa biết rõ nhau, có thể hiểu lầm, xin lỗi, bỏ qua đi. Biết cùng quê rồi, mai mốt hai mẹ con cứ việc tới lui như họ hàng, đừng ngại gì cả nghe.
Ngồi chơi một lát rồi chúng tôi chào ra về. Ra tới đầu đường, thằng con ghẹo:
- Mẹ, chắc nhà mình năm nay có thêm người rồi đó, không phải có dâu mà có... ba ghẻ đó.
- Tổ cha mày. - Tôi cốc lên đầu thằng con, đầu năm đầu tháng nói bậy nói bạ.
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/ Lòng đắm say bao nguồn vui sống...
- A lô, xin lỗi. Ai đầu dây?
- Hằng hả? Tôi đây. Con mèo có chạy về đằng nhà không mà sáng nay kiểm quân số chỉ còn hai con. Tôi đang lo sốt vó đây.
- Tôi đang họp, chừng nào về nhà tôi sẽ kiểm tra lại.
- Rồi rồi. Nhớ nghe.
Ngồi trong buổi họp mà bụng tôi cồn cào, chỉ mong về nhà coi sự thể ra sao...
Tôi leo lên thang gác. Không tin vào mắt mình nữa, con tam thể đen, vàng, xám đang ngả đầu lên bụng con Bông lim dim ngủ. Trời đất! Làm sao mà nó biết đường về đây vậy nè.
Tôi bắt đầu lo lắng: "Kiểu này khó rồi, nó biết đường sẽ dẫn đám kia chạy qua chạy lại rắc rối nữa cho mà coi. Vậy giấu biệt con mèo này luôn để cắt liên lạc sẽ tiện hơn".
Rồi ông ta cũng gọi điện hỏi con mèo. Nghe tôi trả lời không có, ông ta kêu trời kêu đất. Ông còn bảo con mèo đó đẹp và khôn nhất đám nên mất nó, ông như mất người bạn tốt. Ông còn nói rằng rất buồn và cô đơn, chỉ có mấy con mèo làm bạn. Nghe ông ta than, tôi cũng động lòng, nhưng tin làm chi, đàn ông mà.
Đang ngồi chơi với đứa cháu với hai con mèo, ông ta chợt xuất hiện ngay trước cửa. Tôi bối rối đứng lên:
- A! Anh... Nam, anh... vào chơi.
Ông ta trố mắt nhìn con mèo, chạy vội lại ẫm nó lên, mừng rỡ:
- Bắt được mày rồi. Về với ba con. Vậy mà... - Ông ta nhìn tôi, ánh mắt hờn trách.
- Tại tôi không muốn nó chạy qua, chạy lại nữa. - Tôi luống cuống phân bua.
Gương mặt ông ta bỗng giãn ra, mỉm cười nhìn tôi:
- Nó chạy qua chạy lại có sao đâu. Vậy tôi mới có dịp qua nhà Hằng chớ, đồng hương với nhau mà ngại gì.
- Phiền lắm anh ơi! Tôi không muốn...
Tôi chợt ngưng ngang, việc gì phải phân bua, hay là... Tự nhiên, tôi thấy hai má nóng ran... Bỗng có tiếng hát phát ra từ chiếc cassette, nghe thật vui tai: Em như cô gái hãy còn xuân/ Trong trắng thân chưa lấm bụi trần...